Thế giới tuần qua: Những dấu hiệu tan băng
Thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý xoay quanh tình hình trên chính trường Mỹ, bất ổn ở Trung Đông... cho tới những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Cuộc hội đàm cấp thứ trưởng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã cho thấy dấu hiệu tan băng trong quan hệ hai nước láng giềng...
Dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nhật - Hàn
Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức cuộc hội đàm cấp thứ trưởng tại Seoul trong ngày 5/10, đánh dấu cuộc đối thoại chiến lược đầu tiên sau 9 năm, trong bối cảnh quan hệ song phương đang ấm dần lên.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Chang Ho-jin đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Masataka Okano để thảo luận về "đối thoại chiến lược" nhằm giải quyết nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự, từ quan hệ song phương đến các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Cuộc đối thoại chiến lược lần thứ 14 này diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang tan băng sau khi Hàn Quốc hồi tháng 3 quyết định tự bồi thường cho các nạn nhân bị Nhật Bản cưỡng ép lao động trong thời chiến mà không yêu cầu các công ty Nhật Bản đóng góp.
Cuộc đối thoại được khởi động vào năm 2005 với mục đích giúp hai nước tham vấn về một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu từ tầm nhìn trung đến dài hạn.
Tuy nhiên, đối thoại chiến lược Hàn Quốc - Nhật Bản đã bị dừng lại kể từ sau năm 2014 trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng vì các tranh cãi liên quan tới thời kỳ thuộc địa.
Ngày 3/10, với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống, các nghị sỹ tại Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua quyết định cách chức Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, trong bối cảnh rối loạn nội bộ giữa các thành viên đảng Cộng hòa đã khiến Quốc hội Mỹ lún sâu vào tình trạng hỗn loạn, chỉ vài ngày sau khi ngăn chặn được việc chính phủ liên bang phải đóng cửa chỉ vài giờ trước thời hạn chót.
Sau cuộc bỏ phiếu trên, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Patrick McHenry, đại diện của bang North Carolina, sẽ tạm thời đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch Hạ viện cho đến khi cơ quan lập pháp này bầu nhà lãnh đạo mới.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện Mỹ loại bỏ nhà lãnh đạo của mình, được thúc đẩy bởi một nhóm tương đối nhỏ các đảng viên Cộng hòa cánh hữu. Sau khi bị bãi nhiệm, Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy tối 3/10 đã thông báo với các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa rằng ông sẽ không tái tranh chức Chủ tịch Hạ viện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Hạ viện nước này cần phải nhanh chóng bầu chọn một Chủ tịch mới, sau khi ông Kevin McCarthy đã bị chính đảng Cộng hòa thúc đẩy bãi miễn.
Theo giới quan sát, việc bãi miễn ông McCarthy khiến đảng Cộng hòa tại Hạ viện rơi vào tình trạng hỗn loạn mới và có khả năng dẫn đến bế tắc tại Quốc hội Mỹ trong việc hoạch định chính sách. Theo nguyên tắc, Hạ viện sẽ không thể thông qua bất cứ dự luật nào cho tới khi vị chủ tịch mới được bầu ra và tuyên thệ nhậm chức.