Động lực phát triển liên vùng
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tỉnh) không chỉ tạo hành lang pháp lý, động lực cho tỉnh Đắk Lắk mà còn thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên thông qua liên kết vùng và đầu tư hạ tầng mang tính kết nối, lan tỏa.
Quan điểm trong Quy hoạch tỉnh là bám sát các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định và phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia cũng như Quy hoạch vùng Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Lắk nói chung, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng được xem như là “đầu tàu” của khu vực. Cụ thể, Quy hoạch xác định xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thực sự là đô thị trung tâm, là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế, là thành phố xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; TP. Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế. Đến năm 2050, TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị, văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đồng thời, là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế. Tỉnh Đắk Lắk định hình rõ nét các chức năng ở nhiều cấp độ quốc tế, quốc gia, vùng Tây Nguyên.
TP. Buôn Ma Thuột trong ngày hội lớn. Ảnh: Vạn Tiếp
Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện quy hoạch liên quan đến cơ chế, chính sách liên kết phát triển. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk sẽ tích cực kết nối với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để xúc tiến đầu tư, thương mại; tiếp tục triển khai hiệu quả những chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết; tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các đại sứ quán và cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam.
Liên kết vùng nhằm kiến tạo động lực, nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Giai đoạn 2021 – 2030, định hướng sau năm 2030, tỉnh Đắk Lắk ưu tiên đầu tư nhiều chương trình, dự án quan trọng ở các lĩnh vực, trong đó có 33 dự án nông nghiệp, 7 dự án công nghiệp, 25 dự án thương mại - dịch vụ - du lịch, 6 dự án về văn hóa, bảo tồn, 15 dự án thể dục thể thao, 17 dự án y tế, 5 dự án giáo dục đào tạo, 43 dự án giao thông...
Để tạo sức bật phát triển của khu vực, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên vùng, kết nối giữa Đắk Lắk với các tỉnh lân cận thuộc vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ là đột phá quan trọng.
Theo đó, thời gian tới, tỉnh và Trung ương sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp. Hạ tầng sẽ tạo sự liên kết với các vùng động lực, các hành lang kinh tế và giữa các tiểu vùng trong tỉnh.
Trong đó, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn dịch vụ logistics tiếp cận với xuất, nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng biển vùng Duyên hải miền Trung, hạ tầng đô thị thông minh, hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin.
Cụ thể, một số công trình cấp quốc gia đang và sẽ triển khai như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đắk Lắk – Gia Lai, cao tốc Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa. Về vận tải hàng không, Sân bay Buôn Ma Thuột sẽ được nâng cấp lên cấp 4C và quân sự cấp I, công suất phục vụ đến năm 2030 đạt 5 triệu hành khách/năm.
Bên cạnh đó, 5 dự án logistics cũng được kêu gọi đầu tư xây dựng tại TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Krông Búk.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đang được thi công.
Về hạ tầng số, sẽ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo hướng tạo lập dữ liệu mở; xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm chuyển đổi số; tỉnh Đắk Lắk trở thành trọng tâm phát triển kinh tế số trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dịch vụ thương mại và xuất khẩu; phát triển doanh nghiệp công nghệ số với sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.